Tại Việt Nam, khái niệm ESG - viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội), và Governance (Quản trị) vẫn còn là một chủ đề chưa được hiểu đúng hoặc dễ bị nhầm lẫn với CSR truyền thống (hoạt động từ thiện, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp). Việc thiếu hiểu biết này dẫn đến tình trạng greenwashing (tuyên truyền xanh không có thực chất).
Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá:
- ESG là gì
- Sự khác biệt giữa ESG và CSR
- 3 trụ cột của ESG với các vấn đề nổi bật tại Việt Nam
- Các lợi ích của việc áp dụng ESG trong quản lý doanh nghiệp
I. ESG là gì?
ESG là hệ thống tiêu chuẩn quốc tế giúp đo lường mức độ bền vững và đạo đức của một doanh nghiệp. Ba trụ cột chính:
- Environmental (Môi trường): Đo lường tác động của doanh nghiệp đến môi trường như phát thải khí nhà kính (carbon footprint), sử dụng năng lượng và tài nguyên, quản lý chất thải, và chiến lược hướng tới Net Zero.
- Social (Xã hội): Xem xét mối quan hệ giữa doanh nghiệp với con người và xã hội. Điều này bao gồm cách đối xử với nhân viên (điều kiện làm việc, đa dạng, bình đẳng), mối quan hệ với nhà cung cấp, khách hàng, và sự đóng góp cho cộng đồng.
- Governance (Quản trị): Liên quan đến đánh giá hệ thống quản lý nội bộ của doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch, đạo đức kinh doanh, khả năng kiểm soát rủi ro, và cơ cấu Ban lãnh đạo cùng các quy trình ra quyết định.
II. ESG khác gì với CSR?
Nhiều người thường nhầm lẫn ESG với CSR (Corporate Social Responsibility – Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp). Mặc dù có liên hệ nhất định, nhưng hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau về bản chất và cách tiếp cận:
Tiêu chí | CSR (Truyền thống) | ESG (Hiện đại) |
---|---|---|
Mục tiêu | Xây dựng hình ảnh thương hiệu | Đánh giá hiệu suất và rủi ro dài hạn |
Phạm vi | Hành động đơn lẻ, thiện nguyện | Tích hợp toàn bộ vận hành và chiến lược |
Đối tượng | Cộng đồng, khách hàng | Nhà đầu tư, cổ đông, quản lý, chuỗi cung ứng |
Đo lường | Khó định lượng, cảm tính | KPI rõ ràng, chuẩn hóa theo GRI, ISSB, TCFD, SASB... |
III. 3 trụ cột của ESG với các vấn đề nổi bật tại Việt Nam
1. Environmental – Môi trường
Khi nhắc đến ESG, trụ cột "E" – Environmental (Môi trường) thường là điểm khởi đầu nhưng cũng là thách thức lớn nhất. Phần lớn doanh nghiệp Việt đang gặp nhiều hạn chế trong thực hành các tiêu chí về môi trường.
Theo Báo cáo ESG Việt Nam 2025 của MCG Group, có 4 điểm yếu nổi bật thường gặp. Mỗi yếu tố không chỉ là một tiêu chí đánh giá mà còn là một phần trong chiến lược dài hạn hướng tới Net Zero, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững thực chất.
1.1. Phát thải khí nhà kính
Phát thải khí nhà kính (GHG) là chỉ số then chốt trong nhóm tiêu chí ESG về môi trường. Tuy nhiên, theo báo cáo MCG, có tới 61% doanh nghiệp không hề đề cập đến kế hoạch giảm phát thải trong bất kỳ tài liệu công bố nào. Ngay cả với 21% còn lại, cũng chỉ dừng ở việc “có chính sách” mà không đưa ra mục tiêu hay mốc thời gian cụ thể.
Trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết tại COP26 sẽ đạt Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050 và cắt giảm 43,5% phát thải vào 2030, việc chậm triển khai các công cụ đo lường như carbon footprint hoặc không công khai trong báo cáo ESG là một điểm trừ lớn trong mắt nhà đầu tư và cơ quan quản lý.
Việc thiếu dữ liệu minh bạch và lộ trình cắt giảm phát thải rõ ràng cũng có thể khiến doanh nghiệp mất cơ hội tiếp cận "tín dụng xanh" hay các khoản đầu tư bền vững đang tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu.
Doanh nghiệp cần bắt đầu bằng việc đo lường phát thải qua ba cấp độ (Scope 1, 2, 3) và xây dựng kế hoạch giảm thiểu rõ ràng.
1.2 Rủi ro biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu không còn là khái niệm trừu tượng. Lượng khí nhà kính toàn cầu tăng nhanh đang gây ra các rủi ro thiên tai (hạn hán, lũ lụt, bão) và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo báo cáo của MCG, 58% doanh nghiệp không nhắc đến bất kỳ rủi ro hay cơ hội nào liên quan đến biến đổi khí hậu trong báo cáo. Điều này cho thấy ESG vẫn đang bị hiểu lệch là "bảo vệ môi trường" đơn thuần, trong khi biến đổi khí hậu là một phần không thể tách rời trong chiến lược quản trị rủi ro doanh nghiệp hiện đại.
Các tiêu chuẩn quốc tế như TCFD (Task Force on Climate-related Financial Disclosures) khuyến nghị doanh nghiệp cần phân tích kịch bản khí hậu, đánh giá rủi ro thiên tai, gián đoạn chuỗi cung ứng và tác động đến giá vốn sản xuất để lồng ghép vào chiến lược trung – dài hạn trong triển khai ESG, nhằm nâng cao tính minh bạch và hội nhập quốc tế.
1.3. Quản lý nước
Dù nước là tài nguyên tối quan trọng, nhưng theo báo cáo của MCG, 79% doanh nghiệp không cung cấp dữ liệu nào liên quan đến nguồn nước, lượng sử dụng hay khả năng tái chế. Điểm số ESG về yếu tố này rất thấp, phản ánh mức độ bị xem nhẹ nghiêm trọng.
Trong bối cảnh khan hiếm nước tăng cao, doanh nghiệp cần triển khai hệ thống tuần hoàn nước, theo dõi tiêu thụ theo từng bộ phận và quan trọng nhất: công bố dữ liệu một cách minh bạch trong báo cáo ESG hằng năm.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư nhỏ nhưng tạo hiệu quả lớn, từ nhà vệ sinh tiết kiệm nước đến sử dụng nước mưa tưới cây tại các sự kiện ngoài trời.
1.4. Chất thải và vật liệu
Tỷ lệ tái chế là yếu tố rất dễ cải thiện, nhưng lại thường bị bỏ quên, dẫn đến chi phí lãng phí và nguy cơ bị đánh giá thấp trong hệ thống ESG toàn cầu.
Thực tế, các doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải hiệu quả có thể giảm chi phí vận hành và tạo ra giá trị mới từ rác thải.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023), nếu chuyển đổi toàn diện sang kinh tế tuần hoàn, GDP Việt Nam có thể tăng thêm 1–2% mỗi năm nhờ các sáng kiến tái chế và sử dụng nguyên liệu tuần hoàn.
Các bước doanh nghiệp có thể triển khai ngay:
- Phân loại và đo lường rác thải tại nguồn
- Giảm thiểu bao bì nhựa, thay thế bằng vật liệu xanh hoặc có chứng nhận như FSC
- Tái sử dụng vật liệu trong hoạt động thường xuyên, đặc biệt là các ngành có tính ngắn hạn như sự kiện, triển lãm.
2. Social – Xã hội
Trong ESG, trụ cột Social – Xã hội thường bị xem nhẹ so với yếu tố Môi trường, nhưng đây lại là phần khó xây dựng, khó định lường và dễ bị bỏ sót nhất trong chiến lược bền vững của doanh nghiệp.
Trụ cột “S” không đơn thuần chỉ là tuân thủ các quy định pháp luật cơ bản như Bộ luật Lao động về quyền lợi người lao động, an toàn lao động hay bình đẳng giới.
Thay vào đó, theo các chuẩn mực ESG quốc tế (như GRI, SASB), một doanh nghiệp có điểm "S" cao cần chứng minh được rằng họ không chỉ đáp ứng các yêu cầu pháp lý mà còn chủ động kiến tạo một hệ sinh thái nhân văn.
Ở đó, người lao động được tôn trọng, tiếng nói cộng đồng được lắng nghe, và các quyền xã hội được bảo vệ, tạo ra giá trị bền vững vượt xa các hoạt động thiện nguyện hay CSR truyền thống.
Để đạt được điều này, doanh nghiệp cần tập trung vào các khía cạnh cốt lõi sau:
2.1. Quyền con người và điều kiện lao động
Một doanh nghiệp phát triển bền vững không thể có môi trường làm việc độc hại. Trụ cột xã hội trong ESG đánh giá cao các tổ chức:
- Bảo đảm an toàn lao động và phúc lợi cơ bản
- Minh bạch về chính sách lương thưởng, giờ làm
- Có kênh tiếp nhận phản hồi từ nhân viên và cơ chế xử lý hợp lý
Tuy nhiên, doanh nghiệp không cần phải quá lớn để bắt đầu cải thiện “S”. Việc tạo không gian làm việc xanh, có ánh sáng tự nhiên, giảm áp lực tâm lý hay khuyến khích nhân viên đề xuất sáng kiến ESG – đều là những bước đi đúng.
2.2. Đa dạng, Bình đẳng và Hòa nhập (DEI)
Đa dạng (Diversity), Hòa nhập (Inclusion) và Bình đẳng (Equity) đang trở thành tiêu chuẩn quốc tế trong đánh giá ESG. Dù chưa phổ biến ở Việt Nam, nhưng đây là xu hướng không thể bỏ qua khi doanh nghiệp bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc tiếp cận nhà đầu tư ESG.
Theo trong báo cáo của MCG, phụ nữ tham gia ở các vị trí lãnh đạo không chỉ mang ý nghĩa bình đẳng giới, mà còn có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động ESG của doanh nghiệp. Đó là minh chứng cho thấy DEI không dừng lại ở giá trị đạo đức, mà còn tạo ra giá trị thực tiễn và bền vững cho doanh nghiệp.
Triển khai DEI không đồng nghĩa với việc áp dụng chính sách rập khuôn. Doanh nghiệp có thể:
- Cam kết không phân biệt giới tính, tuổi tác, vùng miền
- Tạo cơ hội nghề nghiệp cho nhóm yếu thế
- Tổ chức các hoạt động gắn kết đa nền văn hóa
Quan trọng hơn, DEI phải nhất quán giữa chính sách – hành động – văn hóa thực tế, chứ không chỉ dừng ở truyền thông.
2.3. Gắn kết cộng đồng và tác động xã hội
Doanh nghiệp không tồn tại độc lập mà là một phần không thể tách rời của cộng đồng. Trụ cột “S” còn mở rộng ra bên ngoài doanh nghiệp, bao gồm mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp và đặc biệt là cộng đồng địa phương.
Một báo cáo năm 2022 của Edelman Trust Barometer chỉ ra rằng 74% người tiêu dùng kỳ vọng các thương hiệu hành động nhiều hơn để giải quyết các vấn đề xã hội (Nguồn: Edelman Trust Barometer 2022).
Thay vì các hoạt động thiện nguyện đơn lẻ, ESG khuyến khích doanh nghiệp:
- Đồng hành cùng các tổ chức xã hội trong dài hạn
- Tạo ra sản phẩm/dịch vụ có giá trị xã hội rõ ràng
- Thúc đẩy tiêu dùng bền vững thông qua giáo dục và truyền thông
2.4. Chuỗi cung ứng có trách nhiệm
Một doanh nghiệp không thể có điểm ESG cao nếu chuỗi cung ứng của họ đang vi phạm các quy định về lao động (ví dụ: lao động trẻ em, điều kiện làm việc không an toàn), gây ô nhiễm môi trường hay bóc lột nhân sự ở các mắt xích bên dưới.
Các tiêu chí được đánh giá trong chuỗi cung ứng có trách nhiệm bao gồm:
- Kiểm toán nhà cung cấp định kỳ về các tiêu chuẩn lao động, môi trường và đạo đức.
- Yêu cầu ký cam kết đạo đức & môi trường trong hợp đồng với nhà cung cấp.
- Có chính sách loại trừ nhà cung cấp vi phạm ESG nghiêm trọng.
Ở cấp độ cơ bản, doanh nghiệp Việt có thể bắt đầu bằng việc xây dựng "Bộ quy tắc ứng xử chuỗi cung ứng" (Supplier Code of Conduct) và tích hợp vào hợp đồng thương mại.
3. Governance – Quản trị
Nếu trụ cột “Môi trường” là cái nhìn ra bên ngoài, “Xã hội” là tương tác với con người, thì “Governance – Quản trị” là phần lõi bên trong giúp ESG trở thành chiến lược dài hạn thay vì khẩu hiệu ngắn hạn.
Quản trị ESG tại Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu, một số thách thức tiêu biểu bao gồm:
3.1. Cơ cấu Hội đồng quản trị và giám sát ESG
Một trong những yếu tố cốt lõi của tiêu chí “G” là Hội đồng quản trị (HĐQT) và cơ chế giám sát ESG độc lập. Một thách thức nổi bật là năng lực ESG của Hội đồng Quản trị (HĐQT) còn hạn chế.
Thống kê của MCG cho thấy chỉ 25% doanh nghiệp nhỏ và 40% doanh nghiệp lớn có HĐQT tham gia vào hoạt động ESG, phản ánh khoảng trống đáng kể trong việc tích hợp ESG vào hệ thống quản trị. Chỉ 29% doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ sự tự tin vào mức độ hiểu biết về ESG của HĐQT – con số này thấp đáng kể so với mức trung bình toàn cầu (khoảng 45%).
Những số liệu trên cho thấy cấu trúc quản trị ESG tại phần lớn doanh nghiệp vẫn đang ở giai đoạn sơ khai.
Tiêu chuẩn quốc tế đề xuất:
- HĐQT cần có thành viên phụ trách ESG hoặc tiểu ban ESG
- ESG phải là nội dung định kỳ trong họp chiến lược/quý
- Kết quả ESG nên gắn với KPI và lương thưởng lãnh đạo
Xem thêm các yếu tố để đảm bảo rằng chữ G trong ESG được thể hiện đầy đủ trong các khung đánh giá và báo cáo tại diễn đàn Kinh tế Thế giới.
3.2. Minh bạch thông tin và báo cáo ESG
Trong quản trị hiện đại, minh bạch là nền tảng để xây dựng niềm tin. Điều này đặc biệt đúng với ESG – nơi dữ liệu môi trường, xã hội và quản trị cần được công bố rõ ràng, kịp thời và có đối chiếu tiêu chuẩn.
Tại Việt Nam, từ năm 2024, một số sàn chứng khoán đã yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo ESG hoặc tích hợp vào báo cáo phát triển bền vững. Dù chưa bắt buộc với doanh nghiệp SME, việc chuẩn bị từ sớm sẽ giúp tổ chức chủ động khi quy định siết chặt.
Một báo cáo ESG có chất lượng thường bao gồm:
- Chỉ số định lượng (KPI)
- Mục tiêu và kết quả theo năm
- Rủi ro ESG chính và cách doanh nghiệp phản ứng
- Khung tham chiếu (GRI, SASB, TCFD...)
Trong bối cảnh hội nhập và chịu tác động từ các cam kết quốc tế như EVFTA hay COP26, chủ động cải thiện yếu tố (G), tăng cường đào tạo kiến thức ESG cho đội ngũ nhân sự và tích hợp ESG như một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển, giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh trong chặng đường dài hạn.
IV. Lợi ích của việc áp dụng ESG
Những doanh nghiệp dẫn đầu trong việc áp dụng ESG sẽ không chỉ gặt hái được thành công kinh doanh mà còn tạo ra ảnh hưởng tích cực và lâu dài cho xã hội và môi trường.
- Tăng cường quản lý rủi ro: Bằng cách đánh giá và quản lý các yếu tố ESG, doanh nghiệp có thể nhận diện và giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn, từ đó bảo vệ tài sản và giá trị doanh nghiệp. Chẳng hạn, một công ty có chiến lược bảo vệ môi trường sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các quy định môi trường ngày càng nghiêm ngặt.
- Cải thiện hình ảnh và uy tín: Doanh nghiệp có chiến lược ESG rõ ràng và minh bạch sẽ được công nhận là những doanh nghiệp có trách nhiệm, từ đó xây dựng được lòng tin từ khách hàng, nhân viên và cộng đồng.
- Thu hút đầu tư: Các nhà đầu tư ngày càng ưu tiên các công ty có hiệu suất ESG tốt. Việc tập trung vào ESG có thể giúp doanh nghiệp thu hút vốn từ các quỹ đầu tư bền vững và các nhà đầu tư có trách nhiệm. Ví dụ, BlackRock, một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đã tuyên bố rằng các yếu tố ESG sẽ là một phần quan trọng trong các quyết định đầu tư của họ.
- Tăng cường hiệu suất và sáng tạo: Các doanh nghiệp tập trung vào ESG thường có môi trường làm việc tích cực và sáng tạo hơn, từ đó cải thiện hiệu suất và tạo ra các giải pháp kinh doanh đột phá. Ví dụ, Google đã đầu tư mạnh vào các dự án năng lượng tái tạo và xây dựng môi trường làm việc thân thiện, từ đó thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong công ty.
V. Kết luận
Ba trụ cột môi trường, xã hội và quảng trị không chỉ là một xu hướng mà là một yếu tố then chốt trong việc định hình tương lai của doanh nghiệp.
Trong thời đại mà các thách thức môi trường và xã hội đang ngày càng gia tăng, việc hiểu ESG là gì và tập trung vào nó sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai.
Những doanh nghiệp dẫn đầu trong việc áp dụng ESG sẽ không chỉ gặt hái được thành công kinh doanh mà còn tạo ra ảnh hưởng tích cực và lâu dài cho xã hội và môi trường.
"Nhận thấy lượng rác thải ra sau mỗi sự kiện quá lớn. Năm 2022 Gloton đã bắt tay vào nghiên cứu sử dụng carton trong trang trí sự kiện. Hướng đến mục tiêu giảm thiểu carbon thông qua sử dụng vật liệu tái chế và thân thiện với môi trường.Mỗi dự án là một câu chuyện minh chứng cho sự sáng tạo, cam kết bảo vệ môi trường và tinh thần đổi mới không ngừng nghỉ của chúng tôi."